Những năm cuối đời Cát_Nhĩ_Đan

Năm 1691, Cát Nhĩ Đan bị Sách Vọng A Lạp Bố Thản đột ngột tập kích trong khi lương thực và vật tư đều trống không. Tuy nhiên, ông lại được chưởng quyền Tang Kết Gia Thác ở Lạp Tát trợ giúp, có được phương tài và sau đó nghị hòa với Sách Vọng A Lạp Bố Thản. Năm 1692, Cát Nhĩ Đan sái sứ đến chỗ thủ lĩnh Sa Tân (沙津) của Khoa Nhĩ Thấm Mông Cổ để thuyết phục phản Thanh, Sa Tân làm theo ý chỉ của triều đình mà giả bộ đồng thuận. Năm 1695, trải qua vài năm hưu dưỡng, dưới sự hỗ trợ của Tang Kết Gia Thác, Cát Nhĩ Đan lại một lần nữa tiến quân vào Khách Nhĩ Khách.

Năm 1696, Cát Nhĩ Đan đang ở thượng lưu sông Khắc Lỗ Luân nằm ở phía đông Ulaanbaatar, cách Bắc Kinh 700 km về phía tây bắc. Kế hoạch của Khang Hy hoàng đế là đích thân dẫn quân tiến về phía tây bắc đánh Cát Nhĩ Đan trong khi cử một đội quân thứ hai tiến về phía bắc từ sa mạc Ordos để chặn đường lui của Cát Nhĩ Đan. Khi Khang Hy hoàng đế đến Khắc Lỗ Luân, đã phát hiện ra quân của Cát Nhĩ Đan song buộc phải quay trở lại do thiếu nguồn tiếp tế. Cùng ngày Khang Hy hoàng đế rút đi (12 tháng 6), Cát Nhĩ Đan đã mắc sai lầm với cánh quân Thanh phía tây và chịu thất bại thảm hại tại khu vực nay là vườn quốc gia Gorkhi-Terelj gần thượng lưu sông Tuul ở phía đông Ulaanbaatar. A Nô khả đôn của Cát Nhĩ Đan đã bị giết chết và quân Mãn đã bắt được 20.000 con và 40.000 con cừu, bản thân Cát Nhĩ Đan chạy trốn chỉ với 40 hoặc 50 người. Ông tập hợp được vài nghìn người theo mình song sau đó họ đã bỏ đi do đói. Năm 1697, khi đang ở khu vực dãy núi Altay gần Khovd với 300 lính, Cát Nhĩ Đan đã đột ngột qua đời vào ngày 13 tháng 3 nhuận[9] (3 tháng 5) trong một hoàn cảnh bí ẩn.